5 năm đi học lại
Lớp học năm thứ nhất của tôi chỉ có 24 sinh viên. Có lẽ đó là mức tối đa cho năm thứ nhất chương trình Naturopathy. Sinh viên đàn ông chỉ có 3 người kể cả tôi. Phần lớn là những người đã đi làm và trở lại đi học. Ngoài tôi ra thì chỉ có một bà khoảng 50 còn bao nhiêu thuộc lứa tuổi trên dưới 30.
Từ trung học, tôi tránh môn vạn vật như tránh tà. Học chẳng vô và không nhớ gì cả. Thế mà tới tuổi gần 70 lại phải học "Cơ thể và sinh lý học 1 & 2" (Human anatomy and physiology 1 & 2), năm thứ nhất và Sinh lý bệnh học (Pathophysiology) năm thứ hai. May mắn thế nào đó mà được kết quả không thua lớp trẻ, mặc dầu có thể học chậm và nhớ ít hơn họ. Có lẽ vì bây giờ mình có động lực muốn học biết hơn là vì phải học.
So với 40-50 năm trước, môi trường học khác rất nhiều. Ở Wellpark College, sinh viên gọi giảng viên/ giảng sư, thầy cô hướng dẫn bằng tên, và có thể hỏi ngay trong giờ giảng bài. Bài giảng thì có powerpoint trình bày mục đích và những điểm chính mà sinh viên có thể tải xuống laptops. Phần lớn chẳng có kỳ thi cuối kỳ học. Thay vào đó, sinh viên phải được điểm trên 50 /100 cho 2 hay 3 bài viết về đề tài nào đó (Assignments). Những môn có thi trắc nghiệm cuối kỳ như Cơ thể và Sinh lý học và Sinh lý bệnh học thì cũng có ít nhất một bài viết phải nộp. Bài viết phải nộp qua mạng internet chứ không phải viết tay hay in ra. Cái khó là bài viết có giới hạn số từ, không ít hơn hay nhiều hơn 10 phần trăm mức quy định. Trước khi nộp bài nộp phải được Turnitin kiểm tra xem có giống những bài viết của người khác kể cả trong sách hay không. Nếu giống quá 15 phần trăm là không được. Cái thứ hai là câu nào hay ý nào cũng phải có trích nguồn tham khảo (References). Tôi thấy phần ghi chú tham khảo là tốn nhiều thì giờ nhất, nhưng cũng thấy may mắn là thời buổi này mình có thể truy cập hầu hết những tạp chí nghiên cứu y học trên mạng internet.
Thông thường tôi làm xong bài nộp một hai ngày trước kỳ hạn. Nhưng có lần tôi phải thức cả đêm để hoàn chỉnh bài viết và lần đầu tiên nộp trước kỳ hạn có 30 phút. Thật ra bài đã viết xong nhưng khổ nổi bài chứa 4.500 từ trong khi chỉ được viết tối đa 2.500 từ. Một đêm thức điều chỉnh thu gọn văn từ cũng xong việc nhưng không kém phần gay go khi muốn giữ tất cả những ý quan trọng. Có lẽ vì tôi hơi bết trong việc sắp xếp tài liệu ghi chú và ưu tiên sinh hoạt nên học kỳ nào tôi cũng phải nhiều lần ngồi computer liên tục hai tuần lễ, kể cả thức khuya, để làm bài. Thế mới biết tại sao cả nhà thở phào khi chương trình học của tôi kết thúc.
Năm năm học chương trình y học tự nhiên đem lại rất nhiều lợi ích. Có thể nói là nhờ đi học chương trình này mà tôi thoát chết đột ngột vì tim lớn và hở van tim.
Số là năm thứ ba, tôi mới ghi danh học môn "Chẩn định sức khoẻ 1 và 2" (Health Assessment), là môn học dành cho sinh viên năm thứ hai nếu học toàn thời gian. Sinh viên học lý thuyết rồi tập khám cho nhau. Tới lúc học khám tim, hai bạn học của tôi nói là tim tôi có tiếng đập không bình thường, như có tiếng xì xì (murmur of the heart). Cô giáo kiểm lại, nghe tiếng tim tôi đập cũng đồng ý và đề nghị tôi đi gặp bác sĩ gia đình để kiểm lại và tìm nguyên nhân.
Vài tuần sau tôi đi gặp bà bác sĩ gia đình để khám lại tim. Bà ấy lấy ống nghe ra nghe và nói là bình thường chứ có gì đâu. Tôi nói có thể bà phải nghe lâu hơn mới biết được vì ở trường, các bạn học tôi và cô giáo nghe cả phút đồng hồ hoặc hơn mới thấy tiếng tim đập bất bình thường. Bà bác sĩ nghe lại, lần này lâu hơn mới công nhận là tim tôi có tiếng đập không đều và có lúc xì xì. Bà cho làm điện tâm đồ (ECG) và làm thủ tục giới thiệu tới bác sĩ tim mạch ở bệnh viện Auckland.
Vài tháng sau tôi được gặp bác sĩ tim. Tôi cũng xác định là tôi không bị những triệu chứng mà bà hỏi như khó thở, hụt hơi, hay mệt... Bà nghe tim lần đầu cũng nói là tim đập bình thường. Lần thứ hai nghe lâu hơn bà mới công nhận là nó không bình thường. Sau khi dùng máy siêu âm (ultra-sound scan), bà cho biết là tim tôi bị hở van hai lá (mitral valve) và tim lớn. Gần một năm bà ấy khám đi khám lại bằng nhiều dụng cụ khác nhau cũng không tìm ra nguyên nhân mà tình hình tệ hơn. Cuối cùng bà tham khảo với đội chuyên gia tim và quyết định giải phẫu thay van hai lá cho tôi.
Nếu không khám phá bịnh hở van tim/ tim lớn và thay van kịp thời thì tôi có thể chết đột ngột vì bịnh đó. Báo chí không thiếu tin tức nhiều người bị chết đột ngột và kết quả xét nghiệm sau khi chết xác định họ bị chết vì tim lớn. Một cô đồng nghiệp cùng làm cùng sở với con gái tôi, trong tuổi 30 mạnh khoẻ, ngã ra chết bất ngờ trong lúc chơi thể thao. Kết quả xét nghiệm cho biết là cô ấy bị lớn tim.
Cái nguy hiểm của bệnh này là không có triệu chứng gì rõ ràng như những bệnh tim khác: Không mau mệt, không khó thở, không hụt hơi, không cao huyết áp, không cao cholesterol hay mỡ máu (triglycerine)... Không phải là các bác sĩ dở, nhưng vì không có triệu chứng nên họ không nghe tim lâu hơn thời gian bình thường khoảng 10 giây. Phải nghe tim lâu cả phút mới thấy tim bất thường như trong trường hợp tim lớn hay hở van tim của tôi.
Khi nhìn lại và nghiên cứu thêm về bệnh tim lớn thì thật ra tôi có một số triệu chứng báo trước nhưng bác sĩ ít khi nhớ tới để hỏi. Đó là hay buồn ngủ trong ngày. Ngày nào đi học tôi cũng khổ sở cố gắng mở mắt nghe giảng bài, và không khỏi có lúc ngủ gục. Thường mình tưởng là già thì hay buồn ngủ ngày. Nhưng nó là triệu chứng yếu tim. Tay trái khó co lên sau lưng và thỉnh thoảng thấy lạnh run người mặc dầu trời ấm là những triệu chứng tôi trải qua trước khi mổ tim. Bây giờ mổ xong thì tay trái tôi co lên sau lưng giống tay phải, tôi bớt buồn ngủ trong ngày và hơn một năm nay tôi không bị lạnh run người nữa.
Tôi kể lại chuyện này để cảm tạ ơn Thượng đế cho tôi đi học lại để bịnh tim được phát hiện kịp thời. Nhưng tôi kể lại cũng để nêu lên chức năng quan trọng của Tây y trong việc cứu người bị bịnh cấp tính hay cần giải phẫu. Theo nguyên tắc y học tự nhiên tại trường tôi học thì người bịnh là trọng tâm, y học chính thống và tự nhiên có thể hợp tác và bổ sung nhau theo ý muốn và lợi ích của người bệnh. Y sĩ tự nhiên phải biết tránh kê đơn cho bệnh nhân những thực phẩm, dược thảo, chất bổ sung dinh dưỡng có ảnh hưởng đến tác dụng trị bệnh của các thứ thuốc mà bác sĩ cho bệnh nhân uống. Y sĩ tự nhiên trái lại có nhiệm vụ giúp hoá giải tác dụng xấu của các thứ thuốc đó và giúp bồi bổ các cơ quan liên hệ. Y sĩ tự nhiên không được khuyến khích bệnh nhân ngưng uống những thứ thuốc bác sĩ cho uống, nhưng khuyến khích họ hỏi ý kiến của bác sĩ nếu muốn ngưng hay giảm thuốc tây.
Nguyễn Văn Tư - Auckland 2017
Nhận xét
Đăng nhận xét