Bảo vệ đường ruột
Phục hồi và bảo vệ sức khoẻ đường ruột sẽ giúp cơ thể phòng chống và chữa trị rất nhiều bịnh nan y kể cả dị ứng, ho suyễn, rối loạn tuyến giáp trạng, viêm loét đại tràng, viêm khớp, tiểu đường, bịnh tim, ung thư cổ họng, ung thư đường ruột, vi sinh tăng quá nhiều trong ruột non (SIBO), lo âu, trầm cảm, viêm chàm, vãy nến, các bịnh tự miễn.. Đường tiêu hoá sẽ suy yếu khi ruột bị rò rỉ và hệ vi sinh trong ruột bị mất thăng bằng. Nguyên nhân có thể là vì không được uống sữa non của mẹ khi sinh ra, ăn uống không lành mạnh, căng thẳng thể lực, tình cảm và thần kinh thường xuyên, uống thuốc kháng sinh nhiều. Dùng sữa bò non, hạt thi là đen, ăn uống thực phẩm lên men, thay đổi cách ăn uống, cách sinh hoạt là phương cách tự nhiên có thề bảo vệ và phục hồi sức khoẻ đường tiêu hoá để phòng chống được các bịnh nan y kể trên.
Sơ lược chức năng đường ruột hay đường tiêu hoá
Đường ruột có nhiệm vụ đưa chất dinh dưỡng vào máu để nuôi cơ thể, đồng thời ngăn cản không cho những chất liệu có hại đi vào cơ thể và tống những chất thừa thãi, không tiêu hoá được ra khỏi cơ thể.
90% nhiệm vụ tiêu hoá và hấp thụ dinh dưỡng được thực hiện tại ruột non. Phía trong thành ruột có một lớp màng mỏng, chỉ dày bằng bề dày 1 tế bào biểu mô (epithelia cell) có kẽ hở đủ cho dinh dưỡng đã được tiêu hoá đúng mức đi vào cơ thể. Các tế bào biểu mô này giống như một đội quân lính đứng sát với nhau, nắm chặt tay nhau, tạo nên là những cầu nối chặt (tight junctions) với nhiệm vụ không cho những phân tử lớn (large molecule) đi vào máu.
Hệ tiêu hoá muốn làm việc hữu hiệu ngoài đường ruột tốt còn cần hệ sinh thái vi sinh ruột (gut microbiota or gut flora) lành mạnh. Hệ sinh thái vi sinh này gồm hàng chục ngàn tỉ vi sinh vật sống trong ruột có liên hệ mật thiết với não bộ. Hệ này có ít nhất 1000 loại vi sinh với hơn 3 triệu gen (150 lần nhiều hơn gen người). Hệ sinh thái vi sinh cân nặng tổng cộng tới 2 ki lô. Phần lớn vi sinh vật trong ruột là vi trùng không có hại. Một phần 3 hệ vi sinh của chúng ta đều giống nhau, còn 2 phần 3 thì đặc thù của mỗi người.
Tập hợp vi sinh đường ruột thật sự thiết yếu cho cơ thể với nhiều vai trò khác nhau bao gồm :
• Giúp sản xuất hoc mon, như serotonin chẳng hạn.
• Giúp rút ra năng lượng và chất dinh dưỡng kể cả vitamin, khóang chất, a xit đam, a xit mỡ và chất chống oxy hoá.
• Điều hợp khẩu vị và trọng lượng cơ thể
• Tiêu hoá chất xơ tạo hình phân thải
• Kiểm soát tâm tình, động cơ và trí tuệ.
• Giúp chúng ta phòng ngừa nhiễm lạnh và nhiễm khuẩn
• Giúp chữa lành các mô hư hại và thương tích.
Hệ vi sinh đường ruột lành mạnh khi có nhiều vi sinh tốt hơn vi sinh có hại và vi trùng chủ yếu chỉ ở ruột già thôi. Vi trùng tốt tiết ra những chất có ích cho cơ thể, còn vi trùng xấu chỉ tiết ra những chất độc hại cho cơ thể con người. Vi trùng tốt có thể kềm chế vi trùng xấu. Khi có ít vi trùng tốt thì vi trùng xấu không bị kềm chế, sinh sôi nhiều, thải ra độc tố nhiều hơn khả năng thu dọn của cơ thể. Tình trạng này gọi là "hệ vi sinh mất thăng bằng" (dysbiosis) thường xảy ra sau khi chúng ta uống thuốc kháng sinh vì thuốc kháng sinh giết hết vi sinh. Theo kết quả nghiên cứu : sau một tuần trị bịnh bằng thuốc kháng sinh, một năm sau hệ vi sinh đường ruột vẫn chưa phục hồi nếu không bồi dưỡng bằng vi sinh.
Phần lớn vi sinh sống trong ruột già. Ruột non thường là nơi vô sinh (không có vi trùng). Nhưng khi vi trùng lén lên sinh sôi trong ruột non thì hệ vi sinh hết lành mạnh, gây ra nhiều triệu chứng bịnh. Tình trạng này gọi là "Vi sinh nảy nở quá mức trong ruột non" (SIBO- small intestine bacteria overgrowth), một trong các nguyên nhân chính gây bịnh "ruột khó tinh / thất thường" (IBS - irritable bowel syndrome - ở VN gọi là bịnh ruột kích thích ), và cũng là môt nguyên nhân có thể gây chứng rò rỉ ruột. Bài viết này chủ yếu nhắm vào rối loạn tiêu hoá liên quan đến rò rỉ ruột. Tình trạng "Vi sinh quá nhiều trong ruột non" (SIBO) sẽ được trình bày trong bài viết khác.
Rò rỉ ruột người lớn
Khi màng mỏng ruột non bị rách, hay bị rò rỉ, các kẽ hở giữa các tế bào biểu mô tách rộng ra, cho phép các chất độc và phân tử dinh dưỡng quá cở đi vào máu. Các cơ phận trong cơ thể bị xâm lăng, cơ quan miễn dịch lập mặt trận chống lại khắp nơi gây ra thương tích, làm suy yếu và hư hỏng nhiều bộ phận - làm xuất hiện đủ thứ triệu chứng bịnh.
Có một số biến cố có thể làm cho ruột bị rò rỉ.
Biến cố thứ nhất và thường gặp là khi ăn những món có chứa gluten, một chất đạm chủ yếu trong lúa mì (wheat), đại mạch (barley), lúa mạch đen (rye), tiểu mạch hay lúa mì nâu (spelt), bột farina, hột couscous. Gluten làm tăng chất zonulin, một chất protein làm nới lỏng cầu nối tế bào ruột, tức là làm rò rỉ ruột.
Thứ hai là khi trong ruột chúng ta có quá nhiều thức ăn chưa tiêu hoá vì ăn nhiều, ăn những thức ăn không tốt mà lại ăn vội ăn vàng nên không có thể tiêu hoá kỹ càng, gây nên qui trình viêm trong ruột. Viêm giống như lửa. Nó bắt đầu đốt cháy và phá huỷ các cầu nối tế bào màng ruột, gây rò rò rỉ lớn. Những mảnh nhỏ thức ăn chưa tiêu hoá kỹ (undigested food particles), vi trùng (bacteria), nấm men (yeast) và những thứ giống như vậy đi vào máu. Cả cơ thể kể cả não nổi viêm để chống xâm lăng.
Thông thường hệ miễn nhiễm có thể chữa lành vết thương rò rỉ trong giấc ngủ mỗi ngày nếu vết rò rỉ có giới hạn, không quá lớn và trầm trọng. Tuy nhiên chúng ta cứ liên tục ăn thực phẩm chứa gluten, hoặc cứ liên tục ăn vội vàng, hoặc không cho hệ tiêu hoá nghỉ đủ ít nhất 12 giờ 1 ngày thì hệ miễn nhiễm không thể chữa lành ruột rò rỉ. Không cho ruột nghỉ ngơi lâu đủ mỗi ngày là nguyên thứ ba có thể gây rò rỉ ruột.
Trường hợp thứ tư là khi tinh thần, tình cảm và thể chất bị căng thẳng quá nhiều và quá thường. Khi người căng thẳng cơ thể tiết ra hoc mon cortisol. Cortisol làm giảm hoc mon giúp cơ thể chữa lành, như hoc mon DHEA va hoc mon tăng trưởng (growth hormone). Corticol làm giảm IGA (immunoglobin) một kháng thể nằm trong tất cả màng nhớt của cơ thể, nhất là ở ruột với nhiệm vụ bảo vệ không cho vi sinh trùng và nấm meo sinh sôi quá mức và chống ký sinh trùng. Vì vậy, cần giảm cả ba loại căng thẳng đó, cơ thể mới tránh được tình trạng rò rỉ ruột.
Rò rỉ ruột trẻ em
Hiện nay có rất nhiều trẻ em bị dị ứng thực phẩm, bị viêm chàm do rò rỉ ruột. Nguyên nhân chính là vì những trẻ em này được sinh ra bằng đường mổ, chứ không phải sinh tự nhiên qua đường âm đạo. Và chúng không được bú sữa mẹ trong 4-5 ngày đầu đời. Sinh tự nhiên cho phép em bé hấp thụ hằng hà sa số vi trùng tốt trong âm đạo của mẹ. Những vi trùng tốt này là chiến sĩ cần thiết để bảo vệ sức khoẻ của bé. Trẻ em sinh bằng đường mỗ sẽ thiếu vi trùng tốt cho hệ tiêu hoá và hệ miễn nhiểm nên dễ bị bịnh.
Khi mới sinh ra, ruột của bé sơ sinh rò rỉ bẩm sinh theo thiết kế của Tạo hoá. Tuy nhiên ruột rò rỉ này không còn nữa sau hai ngày bú sữa non của mẹ. Sữa non có yếu tố (hoc mon) tăng trưởng thành ruột và màng ruột, có tác dụng thắt chặt cầu nối tế bào màng ruột. Vi thế sau 2 ngày bú sữa non của mẹ, trẻ sơ sinh không còn rò rỉ ruột nữa. Bé nào không được bú sửa mẹ ngay sau khi chào đời bị mất cơ hội đó và chịu nhiều hậu quả của rò rỉ ruột, nhất là bị dị ứng thức ăn và viêm chàm.
May mắn thay là chứng rò rỉ ruột này sẽ hết khi uống sữa non ( colostrum) của người hay bò mới sinh con, theo kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm lâm sàng gần đây. Đáng tiếc là thông tin mới này chưa được phổ biến rộng rãi nên quá nhiều trẻ em phải chịu dị ứng và viêm chàm năm này qua năm khác.
Triệu chứng và dấu hiệu Rò rỉ ruột
- Dị ứng thực phẩm - ăn cái gì cũng bị dị ứng là triêu chứng thông thường nhất của tình trạng rò rỉ ruột. Dễ hiểu. Vì ngay cả khi thức ăn bình thường vào máu khi chưa được tiêu hoá đúng mức cơ thể phải tiết antihistamine chống lại chúng như chống kẻ xâm lăng.
- Hội chứng tiêu hoá thất thường (Irritable Bowel syndrome - no hơi, táo bón, tiêu chảy, đau bụng bất thường..) và viêm đường tiêu hoá như bịnh Crohn (tiêu chảy, đau bụng, sụt cân, chảy máu hậu môn, bón, buồn nôn, sốt, mệt, tiểu thường) và loét đại tràng (ulcerative colitis). Vì rò rỉ ruột nặng có thể xảy ra ở ruột già.
- Bịnh tự miễn như Lupus ( khi hệ miễn nhiễm tấn công bộ phận và mô cơ thể), đa xơ (MS), tiểu đường loại 1, thấp khớp (arthritis), vãy nến (psoriasis) và viêm chàm da (eczema).
- Rối loạn tuyến giáp trạng ( thyroid disorders) như Hashimoto's một bệnh viêm tuyến giáp trạng (thyroidisis) gây thiệt hại chu trình chuyển hoá (metabolism), gây mệt mỏi, trầm cảm, lên cân, mập phì
- Suy giảm hấp thụ dinh dưỡng làm cơ thể thiếu hụt nhiều sinh tố cần thiết như B12, magnesium và các enzyme tiêu hoá.
- Ảnh hưởng thần kinh và não bộ như triệu chứng tự kỷ, trầm cảm, lo âu kinh niên, Parkinson's
Ngoài những triệu chứng trên những dấu hiệu sau đây có thể do rò rỉ ruột gây ra:
- Lở bao tử,
- Tiêu chảy truyền nhiễm
- Bịnh Celiac
- Ung thư cổ họng và ruột già
- Nhiễm trùng đường hô hấp
- Tình trạng viêm cấp tính như viêm toàn thân (Sepsis), hội chứng phản ứng viêm toàn thân (SIRS - với chứng sốt hay rét, và tim đâp nhanh)
- Những chứng liên hệ đến tình trạng mập phì (như gan có mỡ - fatty liver, tiểu đường loại 2, bịnh tim) •
- Có khuynh hướng dễ lên cân hay mập phì
Phương pháp tư nhiên chữa rò rỉ ruột để bảo vệ và phục hồi sức khoẻ ruột
Phần này có thể tải xuống dưới dạng PDF ở đây Cẩm nang tiêu hoá
1. Loại bỏ yếu tố làm hại đường ruột và thức ăn gây dị ứng/viêm
Trước hết tập ăn uống chậm rãi, nhai kỹ khi nuốt, đừng ăn khi chưa ngồi xuống bàn ăn được. Thứ hai là nên nhịn ăn ít nhất 12 giờ 1 ngày.
Kế đến là ngưng ăn • hạt không nẩy mầm, • hạt và động vật thay đổi gen (GMO) • thức ăn có thêm đường • dầu thực vật tinh chế như dầu đậu nành, dầu bắp, dầu canola, dầu cám... • Thực phẩm chế biến có hoá chất. • Sản phẩm sữa bò thông thường
2. Chữa lành ruột bằng phụ trợ đặc thù
• Sữa bò non hay sữa dê non. Sữa non chứa pep tit kháng vi sinh (antimicrobial peptides), hợp chất điều hoà miễn nhiễm (immune-regulating compounds) và yếu tố tăng trưởng (growth factors). Nó có tác dụng cung cấp thành phần dinh dưỡng thiết yếu, tăng cường hệ miễn nhiều , điều hợp phản ứng phòng vệ tự nhiên, cân bằng hệ vi sinh đường ruột, nâng cao chất lượng tăng trưởng và chữa lành một số mô tế bào. Kết quả nghiên cứu lâm sàng xác nhận sữa non có tác dụng chữa rò rỉ ruột và các triệu chứng bịnh liên hệ rất công hiệu nhất là viêm chàm, vảy nến, suyễn, dị ứng và làm trẻ da. Sữa non có bán dưới dạng viên con nhộng và dạng bột hầu như ở mọi nơi. Phần lớn những người bị dị ứng sữa bò không bị dị ứng với sữa bò non, nhưng cứ cẩn thận thử trước 1 liều nho nhỏ thì tốt hơn.
• Dầu hạt thì là đen. Theo kinh nghiệm và nghiên cứu lâm sàng, dầu hạt thì là đen có công dụng chữa lành rò rỉ ruột và các bịnh liên hệ như vãy nến, viêm chàm, dị ứng, ho suyễn. Tác dụng chữa trị có thể nhanh với trẻ em, nhưng tuỳ trường hợp có thể sau 1-2 tháng mới thấy công hiệu. (xin xem bài viết Dầu hạt thì là đen). Liều cho trẻ em nên bắt đầu 1 ml 2 lần 1 ngày và gia tăng từ từ nhưng không quá 1/2 thìa cafe 2 lần 1 ngày.
• Uống probiotics (khoảng 50-100 tỉ vi sinh một ngày) để giúp bồi đắp lại lượng vi sinh tốt và giảm vi sinh xấu trong ruột.
• Uống L-Glutamine - đây là phụ trợ dinh dưỡng axit amino thiết yếu giúp bảo vệ và chữa lành màng ruột
•Rễ Cam thảo dưới dạng chiết xuất, bột hay trà có tác dụng cân bằng hoc mon cortisol, cải thiện mức độ axit trong bao tử, trị lở bao tử, và bảo vệ, chữa lành màng đường tiêu hoá kề cả ở cuống họng. Uống trà cam thảo khi cần hoặc một ngày 2 gói sẽ có công dụng giảm rất nhanh chứng no hơi, đau bụng và cảm giác vướng cổ họng. Cùng với dầu hạt thì là đen, chiết xuất cam thảo không có glycyrrhizin (deglycyrrhised licorice) giúp bảo vệ bao tử khỏi bị vi trùng H. Pylori gây lở loét bao tử.
3. Thay thế thức ăn hại ruột bằng thức ăn chữa lành ruột như:
• Nước hầm xương (gà, bò, heo) hoặc hầm rau cải. Nhịn ăn chỉ uống nước hầm xương/ rau cải trong 3 ngày có thể chữa lành rò rỉ ruột và chứng tự miễn.
• Sữa chua chứa nhiều vi sinh tốt có thể giúp chữa lành thành ruột
• Rau cải lên men: Hằng ngày nên ăn uống thức ăn nước uống chứa nhiều vi sinh tốt như cải chua, dưa giá, dưa chua cà rốt, kim chi, đậu tương lên men (natto), sữa chua, nước rau cải chua, nước lên men Kombucha, gừng chua . Mỗi thứ rau có tập hợp vi sinh khác nhau. Nên ăn nhiều thứ rau cải chua khác nhau để được nhiều vi sinh tốt cho đường ruột. Rau cải và thức ăn lên men có thể gây dị ứng nếu ruột còn rò rỉ. Vì vậy nên từ từ thử trước. Nếu có phản ứng bất thường hay triêu chứng da tệ hơn thì nên ngừng ngay. Nếu không có vấn đề thì rau cải lên men có thể thay thế probiotics.
• Sản phẩm dừa - tất cả sản phẩm dừa đều rất tốt cho ruột. Axit mỡ với mắc xích hạng trung (medium chain fatty acids) trong dầu dừa dễ tiêu hoá hơn các thứ mỡ khác , nên tốt cho ruột. Kem hay nước cốt dừa lên men (coconut yogurt or kefir) còn tốt hơn sữa chua.
• Ăn rau cải có nhiều chất xơ hoà tan để làm thức ăn cho vi sinh tốt trong ruột (prebiotic) như củ đậu, hành, tỏi, táo, chuối sắp chín (nhưng không còn nhớt), khoai lang, hạt lên mầm như giá đậu xanh, giá hạt chia, giá hạt lanh (flax seed sprout). Nếu bị rò rỉ nặng thì bắt đầu bằng rau cải nấu chín. Nếu món nào gây dị ứng thì chờ đến khi ruột hết rò rỉ.
• Tiêu thụ mỡ tốt - vừa phải như lòng đỏ trứng, trái bơ, dầu dừa ép lạnh , dầu lanh (flax seed oil) , cá sông, cá biển (không phải cá nuôi)
• Ăn trái cây điều độ mỗi ngày 1 - 2 lần. Tốt nhất là buổi sáng trong ngày.
• Thêm gừng và nghệ vào thức ăn mỗi ngày vì hai thứ này có tác dụng hổ trợ tiêu hoá hữu hiệu kể cả giải toả no hơi, sình bụng, ợ chua, làm lành màng nhớt trong đường ruột và bao tử.
4. Giải toả căng thằng tình cảm và tinh thần để giảm mức hoc mon có ảnh hưởng gây viêm, tai hại cho đường tiêu hoá và giảm nguy cơ gâyrò rỉ ruột. Tập thở sâu và chậm bằng bụng, thư giãn, thể dục, thề thao, cầu nguyện, cảm tạ, tỉnh tâm (thiền) và giải toả tình cảm (Emotional Freedon Technique - EFT) là những phương pháp có thể dùng đề giải toả căng thẳng tình cảm và tinh thần. Nên nhớ rằng căng thẳng thể lực cũng gây viêm làm hại tiêu hoá làm rất nhiều vận động viên bị rò rỉ ruột. Vi vậy thể dục thể thao cũng nên điều hoà vừa phải thôi.
Xin lưu ý: Bài viết này chỉ có mục tiêu phổ biến thông tin chứ không thay thế chỉ dẫn của bác sĩ chăm sóc sức khoẻ quý bạn.
Tài liệu tham khảo
Axe, J. 7 Signs and Symptoms You Have Leaky Gut Syndrome. Dr Axe Food is Medicine Published: May 8, 2018. https://draxe.com/7-signs-symptoms-you-have-leaky-gut/
Axe, J. The Leaky Gut Diet and Treatment Plan. Dr Axe Food is Medicine. Published: July 30, 2018
Bryant, T. Gluten: What One bite of Bread Can do. IBS & SIBO SOS Summit Colostrum. Sciencedaily. URL: https://www.sciencedaily.com/terms/colostrum.htm Gundersen, M. 5 Ways
Ginger Benefits Digestion. Gut Health Project. June 9, 2016. https://www.guthealthproject.com/5-ways-ginger-benefits-digestion/
Halasa et al. Oral Supplementation with Bovine Colostrum Decreases Intestinal Permeability and Stool Concentrations of Zonulin in Athletes. Nutrients. 2017 Apr; 9(4): 370. Published online 2017 Apr 8. doi: 10.3390/nu9040370 https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5409709/
Jockers, D. The vitamin Summit Interview Transcript
Menchetti et al. Potential benefits of colostrum in gastrointestinal diseases . Frontiers in Bioscience, Scholar, 8, 331-351, June 1, 2016
Partha Nandi, M.D. The big picture: 5 Key steps to healing Your gut and your life. IBS & SIBO SOS Summit Interview Transcript
Siebecber, M.D. IBS and SIBO Foundations & Fundamental. IBS & SIBO SOS Summit Interview transcript
Tamara Vukavić . Timing of the Gut closure. Journal of Pediatric Gastroenterology and Nutrition. 3(5):700–703, NOV 1984 Publication Date: 1984/11/01
Wyatt, D.A. (2014) Leaky Gut Syndrome: A Modern Epidemic with an Ancient Solution? Townsend Letter, June 2014 http://www.sovereignhealthinitiative.org/articles/lgs_townsend.html
Nhận xét
Đăng nhận xét