Lợi ích của việc nhịn ăn
Tóm lược: Nhịn ăn là biện pháp được các tôn giáo sử dụng từ thuở xa xưa để tịnh dưỡng cơ thể và bồi dưỡng tâm linh. Lợi ích của sự nhịn ăn đối với sức khoẻ được lưu ý hàng ngàn năm nhưng gần đây hầu như bị thất truyền. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học gần đây đã xác nhận là nhịn ăn rất có lợi cho sức khoẻ, không những giúp cơ thể tẩy độc hữu hiệu mà còn giúp hồi xuân, lấy lại nhạy ứng với insulin, cải thiện hệ miễn nhiễm, phòng chống bệnh mãn tính như cao huyết áp, tiểu đường, thoái hoá thần kinh, viêm khớp kinh niên, ung thư, mập mỡ, cao mỡ và cholesterol và những bệnh "miễn nhiễm tự tác" (auto immune disease). Dầu vậy các lợi ích đó chỉ được duy trì bằng chế độ ăn uống lành mạnh sau đó. Nhịn ăn là việc ai cũng làm được mặc dầu ngày đầu phải chống chọi cơn đói. Nhịn ăn đứt khoảng mỗi ngày 16-18 tiếng đồng hồ trong vài ba tuần cũng có hiệu quả như nhịn ăn liên tục 10 ngày. Xen kẻ cứ một ngày nhịn ăn với một ngày ăn bình thường trong 3-4 tuần cũng có hiệu quả như vậy. Dùng chế độ ăn uống bắt chước nhịn ăn trong 5 ngày cũng có hiệu quả làm chậm già và tăng tuổi thọ nếu không dám nhịn ăn. Nhịn ăn không phải một lần là đủ nhưng cần lập lại hàng năm hoặc hằng tháng, hoặc hằng tuần tuỳ theo thời gian nhịn ăn dài hay ngắn. Nhịn ăn không an toàn cho phụ nữ mang thai, mẹ đang cho con bú, trẻ em và người gầy ốm. Những người bịnh (nhất là bịnh tiểu đường) nên hỏi ý kiến và nhờ bác sĩ theo dõi trong thời gian nhịn ăn. Quan trọng là sau khi nhịn ăn, chế độ ăn uống phải lành mạnh thì hiệu quả mới vững bền. Nghĩa là cần ăn rau quả nhiều, bớt ăn thịt, tránh đường và thức ăn chế biến, nhất là thức ăn làm bằng bột trắng.
Sơ lược lịch sử nhịn ăn
Nhịn ăn được sử dụng hàng ngàn năm nay để thân thể nghỉ ngơi tạo điều kiện thích hợp cho sự cầu nguyện và thăng tiến tâm linh. Lợi ích của việc nhịn ăn đối với sức khoẻ không được nói đến trong Kinh thánh và sách tôn giáo khác nhưng đã được lưu ý từ ngàn năm nay. Từ 400 trước công nguyên Hippocrates, cha đẻ y học tây phương, đã nói: " Ăn khi bịnh là nuôi bịnh". Plutarch, một triết gia và học giả Hy lạp đầu thế kỷ thứ 2 sau công nguyên, cũng khuyên: "Thay vì uống thuốc thì nhịn ăn một ngày" (greekmedicine.net). Dầu vậy từ gần nữa thế kỹ nay nhịn ăn không được phổ biến như một biện pháp chữa bịnh. Trái lại chúng ta thường nghĩ rằng khi bịnh thì cơ thề cần nhiều chất dinh dưỡng hơn để chống bịnh và mau phục hồi. Vì vậy chúng ta thường cố ăn, và ép con cháu mình ăn khi bịnh mặc dầu cơ thể đã cảnh báo là không nên ăn khi bịnh bằng cách làm cho cơ thể mất cảm giác thèm ăn và có khi phải nôn ói sau khi ăn. Ngoài ra nhịn ăn trị bịnh đi ngược chiêu bài quảng cáo của các công ty thực phẩm và dược phẩm (Fung & Moore, 2016)
Kết quả nghiên cứu về nhịn ăn:
Nhiều công trình nghiên cứu khoa học gần đây đã xác nhận nhịn ăn rất có lợi cho sức khoẻ. Kết quả nghiên cứu cho thấy nhịn ăn tạo điều kiện cho tế bào cơ thể giảm thiệt hại của diễn trình oxy hoá và viêm, tối ưu hoá diễn trình chuyển hoá năng lượng, và tăng cường hệ đề kháng. Thử nghiệm cho thấy nhịn ăn giúp bảo vệ thú vật tránh bệnh tiểu đường, ung thư, tim mạch và thoái hoá thần kinh, sống lâu hơn. Trong khi đó nhịn ăn giúp người giảm mập phì, cao huyết áp, suyển, phong thấp / thấp khớp, làm chậm tiến trình lão hoá , những bịnh mãn tính (Longo & Mattson, 2014) và giảm cơ nguy ung thư (Varady & Hellerstein, 2011).
Nhịn ăn không chữa bịnh nhưng tạo điều kiện cho cơ thể dễ dàng thu gom và loại bỏ tất cả những chất thải từ qui trình chuyển hoá, là chất độc gây bịnh mà cơ thể chưa có dịp loại bỏ vì quá bận rộn chuyển hoá thức ăn mỗi ngày. Nói cách khác nhịn ăn là tạo cho cơ thể cơ hội loại bỏ ra ngoài chứng ngại vật cản trở sự chữa lành. Khi có cơ hội này cơ thể tự chữa lành rất nhanh. (Gustafson & Goldhamer, 2014).
Những thay đổi trong cơ thể khi nhịn ăn:
Cách đáp ứng nhu cầu năng lượng.
Khi ăn chúng ta thu nhiều năng lượng hơn cần dùng ngay lúc đó. Cơ thể sản xuất hoc môn insulin để đưa năng lượng từ chất đạm (protein) và chất ngọt (carbohydates) vào tế bào và kho tồn trữ. Kho tồn trữ thứ nhất là kho đường glucogen trong gan. Kho này có khả năng giới hạn. Khi gan không còn chổ chứa glucogen nữa thì năng lượng dư thừa được gan biến thành mỡ (triglycerides), một phần chứa trong gan và còn lại thành lớp mỡ trên người.
Khi nhịn ăn, mức insulin giảm đi, báo hiệu cơ thể bắt đầu phải dùng năng lượng trong kho, trước hết là kho đường glucogen rồi đến kho mỡ. Kho glucogen trong gan thường đủ để dùng khoảng 24 tiếng đồng hồ. Sau khi dùng hết glucogen thì gan bắt đầu chế đường từ chất đạm. Giai đoạn này gọi là "chế đường mới" (Gluconeogenesis) diễn ra từ 24 đến 48 tiếng đồng hồ sau khi nhịn ăn. Từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 3 sau khi nhịn ăn, mức insulin thấp thúc đẩy diển trình phân hoá chất mỡ (lipolysis) thành axít mỡ và glycerol. Glycerol được dùng để chế đường từ mỡ còn axit mỡ thì được hầu hết tế bào cơ thể dùng làm năng lượng. Cơ thể cũng dùng axit mỡ để sản xuất vật thể ketone cho não bộ sử dụng làm nguồn năng lượng. Sau 4 ngày nhịn ăn thì vât thể ketone cung cấp 75 % năng lượng cho não bộ. Nhịn ăn tăng hoc môn phát triển (Human growth hormone) nên cơ bắp và mô tế bào không có mỡ (lean tissues) được bảo toàn chứ không bị teo (Cahill, 2006 trích dẫn trong Fung & Moore, 2016).
Cải thiện hệ miễn nhiễm
Nhịn ăn tăng khả năng cho hệ miễn nhiễm kiểm soát tín hiệu gây viêm (inflammatory cytokines) và dị ứng (Faris et al; Vasconcelos et al; Aksungar, Topkaya &Akyildiz ; Kohno, Kouda et al; trích dẫn trong Jockers, 2016).
Kích thích diễn trình tự dọn sạch tế bào (cellular autophagy). Nhịn ăn tạo điều kiện kích thích cơ thể phân huỷ các tế bào già, hư hại và các tế bào phát triển bất thường để tái sử dụng sản xuất năng lượng. Nhịn ăn vì thế ngăn cản nhiễm khuẩn và sự lây lan ký sinh trùng nội bào. Nó giúp cơ thể loại trừ mầm gây bịnh từ bên trong tế bào cũng như sự phát triển bất thường của tế bào ung thư (Jockers, n.d.) Diễn trình này cũng giúp bảo vệ tế bào não và tế bào mô tránh phát triển bất thường, nhiễm độc và viêm mãn tính (Alirezaei at al, 2010).
Cải thiện cơ chế chữa lành gen:
Kết quả các cuộc thử nghiệm chứng tỏ các tế bào sống lâu hơn khi thiếu thức ăn và đói. Nhịn ăn vì vậy làm tăng diễn trình hồi xuân tế bào qua một số cơ chế chữa lành gen vì sửa chữa tốn ít năng lượng hơn là tạo tế bào mới. Khi không có thức ăn nhiều, cơ thể bảo tồn năng lượng bằng cách giảm việc phân chia tế bào. Tình trạng này ngăn cản không cho tế bào ung thư lan rộng. Hoc môn chủ yếu kiểm soát công tác sữa chữa tế bào này là hoc môn phát triển nhân thể (HGH - Human growth Hormone) (Jockers, n.d.) Nhịn ăn kích thích cơ thể sản suất hoc môn HGH. Một nghiên cứu thử nghiệm năm 1992 cho thấy mức HGH hoc môn tăng gấp 5 lần sau 2 ngày nhịn ăn (Fung & Moore, 2016). Mức hoc môn phát triển này thấp thì cơ thể chóng già. Ngược lại nhịn ăn làm tăng nhiều HGH sẽ làm cơ thể chậm già. Tăng mức HGH hoc mon cũng kích thích cơ thể dùng mỡ làm năng lượng, do đó vừa giảm mỡ vừa ổn định mức đường trong máu (Fung & Moore, 2016).
Giảm lượng hoc môn insulin và tăng nhạy ứng insulin
Trong giai đoạn đầu nhịn ăn, lượng đường và insulin trong máu giảm nhưng vẫn nằm trong tầm mức bình thường nhờ sử dụng kho đường glucogen và diễn biến "tạo đường mới". Sau khi dùng hết kho đường glucogen thì cơ thể chuyển sang dùng mỡ làm nhiên liệu. Nhịn ăn càng lâu thì mức insulin càng giảm nhiều. Mức insulin thấp thường xuyên sẽ làm cho cơ thể nhạy ứng hơn với insulin. Khi cơ thể nhạy ứng với insulin thì sẽ không cần nhiều insulin khi chúng ta ăn. Giảm nhu cầu insulin giúp cho cơ thể giảm tình trạng viêm nhiệt và tăng lượng hoc môn phát triển HGH. Tình trạng đối nghich là khi cơ thể không còn nhạy ứng với insulin, gọi là tình trạng "đề kháng insulin". Khi cơ thể ở trong tình trạng " đề kháng insulin" cao thì sinh ra nhiều vấn đề, trước hết là chứng tiểu đường kế đến là bịnh tim mạch, tai biến mãch máu não, bịnh mất trí nhớ Alzheimers, cao cholesterol, cao huyết áp, mập phì vùng bụng (abdominal obesisty), gan mỡ (fatty liver), hội chứng buồng trứng đa nang (polycystic ovary syndrome), bịnh gút, xơ vữa động mạch (atherosclerosis), bịnh trào hơi lên thực quản (gastroesophageal reflux) và ung thư (Fung & Moore, 2016). Vì vậy nhịn ăn có thể giúp cải thiện sức khoẻ toàn diện bằng cách giúp cơ thể tăng tình trạng nhạy ứng insulin.
Nhịn ăn cải thiện triệu chứng bịnh "miễn nhiễm tự hại" (auto immune disease) như systemic lupus (ban đỏ khắp thân), viêm khớp kinh niên (rheumatoid arthritis), viêm đại tràng (colitis) va bịnh viêm đường ruột (Crohn's disease) (Varady & Hellerstein, 2007).
Phòng chống hữu hiệu ung thư tiền liệt tuyến (prostrate cancer) và ung thư vú vì nhịn ăn làm cho các tế bào ung thư chết đói chỉ chờ huỷ diệt (Buschemeyer et al, 2010; Rogozina et al, 2013).
Giúp phòng và trị bịnh tiểu đường. Mặc dầu chưa có thử nghiệm lâm sàng lớn để xác định công hiệu của việc nhịn ăn đối với bịnh tiểu đường, một số nghiên cứu và bằng chứng lâm sàng cho thấy nhịn ăn giúp nhiều người bị tiểu đường giảm lượng đường trong máu xuống mức bình thường mà không cần thuốc nữa. Một cuộc nghiên cứu quan sát cho thấy bệnh nhân tiểu đường khi nhịn ăn nên được bác sĩ theo dõi điều chỉnh liều thuốc uống và chế độ ăn uống để tránh tình trạng mức đường trong máu xuống quá thấp (hypoglycaemia) hoặc lên quá cao (hyperglycaemia) (Noon et al, 2016).
Bác sĩ Jason Fung, chuyên khoa về thận, sau một thời gian hành nghề nhận thấy thuốc tây không chữa được bệnh thận vì bệnh thận chủ yếu phát sinh từ tiểu đường. Bệnh tiểu đường lại bắt nguồn từ chế độ ăn uống. Chuyển qua nghiên cứu chế độ ăn uống trị tiểu đường , BS Fung khám phá nhịn ăn là cách tốt nhất để chữa bịnh tiểu đường, bệnh mập phì (thường đi đôi với tiẻu đường) và bệnh thận. Qua chương trình Quản lý ăn uống cao độ (intensive dietary management) BD Fung đã giúp bệnh nhân tiểu đường không còn bị tiểu đường nữa sau vài tháng nhịn ăn đứt khoảng và điều chỉnh chế độ ăn uống. Những bịnh nhân suy thận cũng trở lại bình thường (Fung & Moore, 2016; IDM testimonials).
Nhịn ăn giảm huyết áp cho những người cao huyết áp.
Thực nghiệm lâm sàng tại một trung tâm y tế ở California cho thấy các bịnh nhân cao huyết áp (174 người) và tiền cao huyết áp (68 người) giảm huyết áp đến độ không còn cần uống thuốc huyết áp nữa sau khi được chữa trị bằng nhịn ăn chỉ uống nước. Thời gian chữa trị trung bình kéo 22-23 ngày, gồm 2-3 ngày chuẩn bị chỉ ăn uống rau quả, 10-13 ngày nhịn ăn và 6-7 ngày ăn lại chủ yếu rau quả, ít mỡ và ít muối. Huyết áp ban đầu càng cao thì càng giảm nhiều. Nhóm người có huyết áp trên 180/110 mmHg thì trung bình huyết áp giảm đi 60/17 mmHg và tiếp tục cải thiện sau khi chữa trị (Goldhamer et al, 2001; Goldhamer et al, 2002).
Nhịn ăn cải thiện trí nhớ, tăng khả năng chú tâm và làm tinh thần sáng suốt.
Chưa có cuộc nghiên cứu thực nghiệm lâm sàng nào được thực hiện để đo lường lợi ích của việc nhịn ăn đối với những người bị suy sụp trí nhớ (Alzheimer's). Tuy nhiên thử nghiệm trên động vật cho thấy nhịn ăn giúp chúng cải thiện trí nhớ, khả năng học hỏi, và điều hợp động tác. Nhịn ăn đứt khoảng cũng giảm tình trạng thoái hoá thần kinh và các triệu chứng bịnh Alzheimer's, Parkinson's và Huntington's (bịnh chết tế bào não) cho những thú vật trong những cuộc nghiên cứu này (Longo & Mattson, 2014). Những người đã nhịn ăn cũng xác nhận đầu óc họ nhẹ nhàng hơn, tinh thần họ sáng suốt hơn, có thể chú tâm hơn và nhớ nhiều hơn (Fung & Moore, 2016).
Nhịn ăn giảm mỡ máu và cholesterol
Nhịn ăn sau vài ngày, cơ thể phải dùng mỡ làm nhiên liệu năng lượng. Kết quả là lượng mỡ và cholesterol trong máu sẽ giảm. Một cuộc thử nghiệm trên 10 người mập phì cho thấy sau khi nhịn ăn xen kẻ 8 tuần lễ, lượng cholestrol LDP (xấu) và mỡ (triglycerides) trong máu giảm 25% và 32% (Bhutani, Klempel, Berger & Varady, 2010).
Nhịn ăn giảm đau viêm khớp mãn tính (rheumatoid arthritis)
Trong cuộc khảo sát kinh nghiệm của 742 người bị viêm khớp mãn tính do Haugen và đồng nghiệp thực hiện năm 1991, 15 phần trăm bệnh nhân trải qua một lần nhịn ăn. 2 phần 3 trong số người này báo cáo là họ bớt đau, bớt cứng khớp và 50 % báo cáo là khớp xương bớt sưng.
Sau khi đọc báo cáo đó, Cô Diana, một bệnh nhân bị viêm thấp khớp nhiều năm, nghiên cứu tác dụng của biện pháp nhịn ăn và áp dụng 11 ngày nhịn ăn chỉ uống nước rau quả. Cô giữ nhật ký và ghi lại rằng từ ngày thứ 3 cô thấy bàn chân trái bớt sưng, và lần đầu tiên sau nhiều năm cô có thể đi bộ xa hơn. Từ ngày thứ tư cô hết thèm ăn, nhưng thấy dồi dào sức hơn, bắt đầu muốn bỏ ra vài ngày rong chơi. Cảm giác đau, sưng, viêm đều giảm đi. Sau 11 ngày cô không còn thấy đau đớn như trước nữa. Trái lại cô cảm thấy thật là khoẻ khoắn với tinh thần minh mẫn, tự tin và có thể tập trung khi cần. (Nhật ký của Diana).
Nhịn ăn như thế nào
Nhịn ăn là tự nguyện không ăn gì cả. Ngày nào chúng ta cũng nhịn ăn khi ngủ. Tuy nhiên, nhịn ăn chỉ uống nước vì lý do sức khoẻ thường từ 16 giờ tới cả tháng trong khung cảnh ngơi nghỉ. Ba cách nhịn ăn thông thường nhất là nhịn ăn đứt khoảng (intermittent fasting), nhịn ăn xen kẻ (alternate-day fasting) và nhịn ăn liên tục (block fasting) từ 1 ngày đến 40 ngày hoặc dài hơn.
Nhịn ăn đứt khoảng là nhịn ăn chỉ uống nước lọc mỗi ngày 16-23 tiếng đồng hồ, rồi ăn lại bình thường nhưng đầy chất bổ dưỡng và lành mạnh trong 1-8 tiếng đồng hồ còn lại. Phương pháp nhịn ăn này dễ thực hiện, có thể tuần nào cũng nhịn ăn đứt khoảng 2-3 ngày hoặc ngày nào cũng nhịn ăn như vậy trong nhiều tuần. Phương pháp này cho cơ thể thì giờ thực hiện chức năng tẩy độc và chữa bịnh khoảng 4-11 tiếng đồng hồ 1 ngày.
Nhịn ăn xen kẻ là nhịn ăn một ngày 24 giờ rồi ăn lại một ngày 24 tiếng và có thể kéo dài theo ý muốn.
Nhịn ăn liên tục thường kéo dài ít nhất 3 ngày và có nhiều người kéo dài nhịn ăn đến 40 ngày hoặc hơn.
Thay vì chỉ uống nước khi nhịn ăn, nhiều người thay thế nước bằng nước rau quả hay nước xương (bone broth). Cũng có người dùng chế độ ăn uống bắt chước nhịn ăn (fasting mimicking diet) trong thời gian nhịn ăn. Nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy chế độ ăn uống này cũng có hiệu quả giống như nhịn ăn thật sự, nhất là thích hợp cho người già và những người sợ cảm giác đói (Mercola, 2017). Chế độ ăn uống này dùng nhiều dầu mỡ tốt và giới hạn lượng đạm và đường và kéo dài 5 ngày. Ngày thứ nhất cho phép 1.090 calories gồm 10% đạm, 56% dầu mỡ, và 44% hy drat cac bon (carbohydrate). Ngày thứ 2 đến thứ 7 giới hạn 725 calories gồm 9% đạm, 44 % dầu mỡ và 47% carbohydrate (Knapton, 2017).
Thận trọng cần có:
Vì nhịn ăn có thể không an toàn trong nhiều trường hợp, lời khuyên của các chuyên gia về nhịn ăn là trước khi nhịn ăn, chúng ta cần hỏi ý kiến, hay báo cho bác sĩ để họ theo dõi và giúp chúng ta khi có vấn để được an toàn. Và nhịn ăn không an toàn cho phụ nữ có thai, những người mẹ đang cho con bú, người gầy ốm và trẻ em.
Cần lưu ý là nhịn ăn không phải chỉ giúp cơ thể chữa lành bịnh và hồi xuân mà còn cần thiết để phòng chống bịnh tật và duy trì sức khoẻ. Vì thế cần nhịn ăn đều đặn hằng năm, hoặc mỗi sáu tháng hoặc mỗi ba tháng, hoặc mỗi tháng hoặc mỗi tuần tùy theo thời gian nhịn ăn. Chẵng hạn, nếu chỉ nhịn ăn 1 ngày 24 tiếng thì có thể mỗi tuần nhịn ăn một ngày. Chu kỳ này rất hợp với lời dạy trong Kinh thánh là chỉ nên làm việc 6 ngày rồi nghỉ ngơi hoàn toàn 1 ngày để hướng về Thiên Chúa và cầu nguyện nhận linh lực từ Thiên Chúa.
Xin lưu ý: Bài viết này có mục đích duy nhất là cung cấp thông tin giúp quý bạn nắm vững thông tin để cân nhắc trước khi lấy những quyết định liên quan đến sức khoẻ mình và vì vậy không thay thế ý kiến và sự chĩ dẫn của những y sĩ chăm sóc quý bạn.
Tham khảo:
Alirezaei, M., Kemball. C.C. et al Short term fasting induces profound neuronal autophagy. Autophagy. 2010;6(6):702-710.
Bhutani, S., Klempel, M.C., Berger, R.A., & Varady, K.A. Improvements in coronary heart disease risk indicators by alternate-day fasting involve adipose tissue modulations. Obesity (Silver Spring). 2010 Nov;18(11):2152-9. doi: 10.1038/oby.2010.54. Epub 2010 Mar 18.
Buschemeyer, W. C., Klink, J. C., Mavropoulos, J.C., Poulton, S.H., Demark-Wahnefried, W., Hursting, S.D., Cohen, P., Hwang, D., Johnson, T.L., Freedland S.J. Effect of intermittent fasting with or without caloric restriction on prostate cancer growth and survival in SCID mice. Prostate. 2010 Jul 1;70(10):1037-43. PMID: 20166128
Cahill, G. F. Fuel Metabolism in Starvation. Annu. Rev. Nutr. 2006. 26:1–22 doi: 10.1146/annurev.nutr.26.061505.111258
Gustafson, G. & Goldhamer, A.: Water Fasting - The clinical Effectiveness of Rebooting Your Body. Integrative Moldhamertedicine. Vol. 13, No. 3- June 2014.
Goldhamer, A.C., Lisle, D.J., Sultana, O., Anderson, S.V., Parpia, B. Hughes, B. & Campbell, T.C. (2002). Medically Supervised Water-Only Fasting in the Treatment of Borderline Hypertension. The Journal of Alternative and Complementary Medicine. Volume 8, Number 5, 2002, pp. 643–650
Goldhamer, A., Lisle, D., Parpia, B., & Campbell, T.C. Medically supervised water-only fasting in the treatment of hypertension. J Manipulative Physiol Ther. 2001 Jun;24(5):335-9
Haugen M., Kjeldsen-Kragh, J., Nordvå, B.Y. Diet and disease symptoms in rheumatic diseases — Results of a questionnaire based survey. Clinical Rheumatology. December 1991, Volume 10, Issue 4, pp 401-407
Jockers, D. (n.d.) 5 Healing Benefits of Intermittent fasting. DrJockers.com URL: http://drjockers.com/5-healing-benefits-of-intermittent-fasting/
Knapton, S. Five day fasting diet slows down ageing and may add years to life. The Telegraph. 5 September 2017. http://www.telegraph.co.uk/news/science/science-news/11683736/Five-day-fasting-diet-slows-down-ageing-and-may-add-years-to-life.html
Longo, V.D. & Mattson, M.P. Fasting: Molecular Mechanisms and Clinical Applications. Cell Metab. 2014 February 4; 19(2): 181-192. doi:10.1016/j.cmet.2013.12.008
Mercola (2017). How a fasting mimicking diet can help you live longer. http://articles.mercola.com/sites/articles/archive/2017/07/23/fasting-mimicking-diet.aspx
Noon, M.J., Khawaja, H.A., et al. Fasting with diabetes: a prospective observational study. BMJ Global Health. DOI: 10.1136/bmjgh-2015-000009 Published 8 September 2016.
Omodei, D. & Fontana, L. Calorie restriction and prevention of age-associated chronic disease. FEBS Lett. 2011 Jun 6; 585(11): 1537–1542
Rogozina, O.P., Nkhata, K.J., Nagle, E.J., Grande, J.P., Cleary, M.P. The Protective Effect of Intermittent Calorie Restriction on Mammary Tumourgenesis is Not Compromised by Consumption of a High Fat Diet During Refeeding. Breast cancer research and treatment. 2013;138(2):395-406.
Varady, K. A. & Hellerstein, M. K. Alternate-day fasting and chronic disease prevention: a review of human and animal trials. Am J Clin Nutr 2007;86:7–13
Nhận xét
Đăng nhận xét