Thực tập lâm sàng

  Chương trình năm thứ ba nặng nhất là "Môn Thực Tập Lâm Sàng 1" trong nữa năm đầu và "Thực Tập Lâm Sàng 2" trong sáu tháng cuối (Clinical Practice 1 and 2). Vì học bán thời gian nên đến năm thứ tư (2015) tôi mới bắt đầu môn này. Đến giữa năm sức khoẻ tôi yếu dần. Tôi chuẩn bị giải phẫu thay van tim nên phải dời "Thực tập lâm sàng 2 " sang năm 2016.

Mỗi sinh viên thực tập "lâm sàng 1" với tất cả 8 bệnh nhân. Bốn bệnh nhân đầu là những sinh viên năm thứ nhất. Mỗi sinh viên thực tập phỏng vấn hội chẩn (consultation) hai bệnh nhân và quan sát bạn cùng lớp phỏng vấn hội chẩn 2 bệnh nhân khác.

Phần phỏng vấn có mục đích thu góp đầy đủ thông tin về sức khoẻ người bệnh từ lúc còn nhỏ đến hiện tại. Trước tiên là lý do đến khám bịnh, những vấn đề sức khoẻ đáng quan tâm, ước vọng và mức độ muốn thay đổi hiện trạng. Sau đó là chi tiết quá trình phát hiện những triệu chứng ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khoẻ qua tất cả các hệ hoạt động của cơ thể. Tình hình tình cảm, tâm lý, khung cảnh sống, làm việc, gia đình, lịch sử bịnh tật và bịnh, chế độ ăn ngủ, thuốc uống và lịch sử sức khoẻ bịnh tật của cha mẹ, ông bà, anh em con cái đều được hỏi đến. Phần quan sát giúp học hỏi lẫn nhau để cải thiện kỹ năng phỏng vấn.

Ai cũng cố gắng làm xong phần phỏng vấn trong 90 phút để còn đủ giờ khám sức khoẻ toàn diện (holistic physical examination). Khi gặp bệnh nhân nói nhiều và có nhiều vấn đề thì 90 phút thường không đủ cho phần phỏng vấn. Phần khám sức khoẻ cũng gồm nhiều thứ lắm. Từ việc đo huyết áp, nhịp tim, nhịp thở, cách thở, lượng đường trong máu, xét thành phần nước tiểu, chiều cao, trọng lượng, vòng bụng, vòng mông đến xem xét (bên ngoài) những bộ phận có triệu chứng không bình thường cũng tốn rất nhiều thì giờ. Sang "thực tập lâm sàng 2" thì thời gian cả phỏng vấn lẫn khám sức khoẻ giảm xuống còn 90 phút.

Khi hành nghề, các y sĩ tự nhiên thường khám bịnh lần đầu và cho toa trong vòng 90 phút. Nhờ có thời gian dài 6 lần lâu hơn tiêu chuẩn khám bịnh ở phòng mạch bác sĩ, bệnh nhân có dịp trình bày mối quan tâm của mình đầy đủ hơn với y sĩ tự nhiên. Ngược lại nhờ có nhiều thì giờ phỏng vấn, y sĩ tự nhiên có thể truy ra những yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng sức khoẻ hiện tại của bệnh nhân và có cơ hội giúp bệnh nhân giải quyết tận gốc bệnh tật.

Khi thực tập "lâm sàng 1", chúng tôi có nhiều thì giờ hơn bình thường. Sau lần hội chẩn đầu tiên 120 phút, bệnh nhân ra về tay không, nghĩa là chưa được chỉ dẫn phải làm gì cả, nhưng được hẹn 2 tuần sau trở lại. Lúc đó bệnh nhân mới được trình bày kế hoạch chăm sóc sức khoẻ (wellness plan), gồm 3 chỉ tiêu liên hệ đến chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và vận động thể lực và một toa dược thảo.

Bốn bịnh nhân đầu là sinh viên năm thứ nhất nên phần lớn khoẻ mạnh, nếu sức khoẻ có vần đề thì cũng không quan trọng lắm. Dầu vậy, 2 sinh viên thực tập phỏng vấn và quan sát phải cùng nghiên cứu rồi cẩn thận viết ra một toa dược thảo thích hợp cho bệnh nhân. Để được giám thị thực tập chấp thuận, những đề nghị liên quan đến chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, vận động và công thức hổn hợp dược thảo phải bao gồm lý do, bằng chứng tác dụng và tính an toàn của mỗi tiểu mục kể cả thảo dược trong kế hoạch cải thiện sức khoẻ cho bệnh nhân.

Sau khi thực tập với 4 sinh viên năm thứ nhất, mỗi người chúng tôi bắt đầu thực tập với 4 bệnh nhân thực thụ do sinh viên tìm ra hoặc do trường tìm hộ qua quảng cáo.

Bệnh nhân đầu tiên của tôi là một cô đầm 45 tuổi và là chuyên gia tâm lý trị liệu (psychotherapist), xin gọi là cô Alice. Rủi cho tôi, bệnh nhân đầu tiên lại bị bịnh phụ nữ. Học bệnh lý hoc biết không ít tên bệnh, nhưng nhiều quá nên tôi quên những tên nào không quen thuộc. Vì vậy, khi Alice nói cô bị "Adenomyosis" (Lạc nội mạc trong tử cung) tôi chả nhớ đó là bệnh gì và đánh vần ra sao nên phải nhờ cô ấy đánh vần giùm.

Alice khai là 6 năm trước tự nhiên bị ra huyết quá nhiều khi có kinh và bác sĩ chẩn định là cô bị "lạc nội mạc trong tử cung". Bốn năm sau, bác sĩ đặt vòng xoắn (IUD) cho cô thì lượng huyết kinh nguyệt trở lại bình thường. Nhưng vòng xoắn làm cho cô ta cảm thấy già, căng bụng như có thai nên sau một thời gian cô không dùng nữa. Lấy vòng xoắn ra thì kinh nguyệt gây xuất huyết quá nhiều và bất thường đến nổi cô ta không dám đi ra ngoài khi có kinh. Mất máu nhiều quá cơ thể mất hết sinh lực sau mỗi kỳ kinh. Bác sĩ không có thuốc trị nên đề nghị cắt bỏ tử cung (hysterectomy). Alice không chịu vì nghĩ rằng có thể có cách tự nhiên (natural methods) thay cho biện pháp cắt bỏ tử cung. Cô truy cập internet, lập ra danh sách đầy 1 trang giấy các dược thảo mà nhiều người khác đã dùng, rồi chọn mua vài ba thứ uống thử. Rốt cuộc cũng không cải thiện gì cả. Cô ta lại đặt kỳ vọng tôi có thể giúp cô trị bịnh này! (Tôi không thể không than thầm: Ô Hô Ai tai! mình có biết gì để giúp cô ta không?).

Trong 1 tuần tôi phải viết xong phần phân tích tình trạng của Alice, và đề nghị kế hoạch cải thiện sức khoẻ (Wellness Plan) trình lên giám thị kiểm tra. Phải nêu ra đầy đủ lý do và dẫn chứng tài liệu tham khảo đáng tin cậy để biện minh cho mỗi câu phân tích tình trạng của bệnh nhân và mọi đề nghị thì kế hoạch mới được bà giám thị chấp thuận.

Hai tuần sau, tôi trình bày kế hoạch này cho Alice. Nói tóm tắt, tôi đề nghị cô tập thể dục lại, tăng ăn rau quả có nhiều omega 3 và chất chống oxi hoá (antioxidant)/chống viêm (anti-inflammatory), và giảm uống rượu từ 12/14 ly xuống còn không quá 3 ly một tuần. Toa thuốc dược thảo gồm 4 thứ có tác dụng giảm xuât huyết kinh nguyệt, cân bằng hormone, bổ dưỡng tử cung, bổ gan, chống viêm, tăng cường hệ miễn nhiễm, tăng sức thích nghi áp lực (adaptogenic) và giảm co giựt (antispasmadic). Alice đồng ý làm theo kế hoạch và dùng hổn hợp dược thảo trong thời gian có kinh như chỉ dẩn. ( Dược thảo có dạng nướt cốt - liquid extract hay tincture). Công thức qui định liều lượng của mỗi thảo dược để cộng lại đủ 105 phân khối cho mỗi tuần).

Thật đáng công. Đến kỳ hẹn gặp lại một tháng sau, Alice vui vẻ cho biết là trong kỳ kinh nguyệt vừa qua lượng xuất huyết trở lại bình thường và ổn định.

Đáng công "trầy vi tróc vảy" vì tôi phải tốn rất nhiều thì giờ và công sức cả một tuần lễ mới soạn xong kế hoạch cải thiện sức khoẻ cho cô A và mỗi bệnh nhân trong kỳ thực tập 1. Kế hoạch cho Alice chỉ dài 31 trang vì trường hợp này không quá phức tạp và số thuốc đang sử dụng chỉ có 3 thứ. Một sinh viên trong lớp gặp phải tình trạng bệnh nhân phức tạp dùng tới 20 thứ thuốc phải viết kế hoạch trên 60 trang vì phải trình bày chi tiết mỗi thứ thuốc đang dùng, từ phương cách tác dụng trên cơ thể, chuyển hoá trên cơ thể, tất cả tác dụng phụ và tiềm năng tương tác với các dược thảo...

Mỗi một đề nghị phải được dẫn chứng tài liệu tham kháo đáng tin cậy. Chẳng hạn như khi tôi đề nghị Alice tập thể dục thì phải nêu lý do là thể dục có thể giúp giảm đau trên đùi và đầu gối liên hệ đến bịnh "lạc nội mạc trong tử cung" theo kết quả nghiên cứu và dẫn chứng nguồn tham khảo. Đề nghị tăng ăn rau quả cũng phải trưng dẫn tài liệu nghiên cứu năm 2004 ở Ý cho thấy ăn rau quả giúp các phụ nữ cải thiện bệnh "lạc nội mạc tử cung" trong khi ăn thịt thì bệnh tệ hơn. Đề nghị giảm uống rượu cũng phải kèm theo dẫn chứng nghiên cứu chứng minh rượu làm tăng hormone estrogens và làm yếu hệ miễn nhiễm.

Tương tự, kế hoạch phải trình bày mỗi thứ thảo dược được đề nghị với đầy đủ bằng chứng nghiên cứu xác định là nó có tác dụng cần thiết cho bệnh nhân và mức độ an toàn. Bài viết " kế hoạch cải thiện sức khoẻ" cho Alice vì thế phải liệt kê 30 tài liệu tham khảo.

Tôi quên nói cho quý bạn biết là trường tôi học không bảo sinh viên chẩn đoán (make diagnosis) để xác định bênh nhân bị bệnh gì. Phần lớn bệnh nhân đến y viện thực tập đã được bác sĩ Tây y chẩn định và cho biết họ bị bệnh gì. Điều đó dĩ nhiên giúp ích rất nhiều. Tuy nhiên trong kế hoạch cải thiện sức khoẻ cho bịnh nhân, sinh viên phải liệt kê ra tất cả các thứ bịnh mà bệnh nhân có thể có, kể cả tại sao có thể có và tại sao không thể có (differential diagnosis).

Kế hoạch cải thiện (wellness plan) không phải chỉ có mục tiêu giảm trừ triệu chứng bịnh trong ngắn hạn mà chủ yếu phải có mục tiêu loại bỏ những độc chất gây bịnh, bồi bổ tăng cường chức năng của những cơ quan liên hệ để loại trừ tận gốc nguyên nhân gây triệu chứng bịnh trong dài hạn. Như trong trường hợp Alice, mục tiêu ngắn hạn là giảm xuất huyết (anti-haemorrhage) Còn mục tiêu dài hạn là loại những yếu tố gây viêm rồi bồi bổ gan, tử cung, tuyến thượng thận và hệ miễn nhiễm.

Bệnh nhân thứ tư của tôi, Beatrice, cũng là một cô đầm 47 tuổi, than phiền là ngủ không ngon, mệt mỏi và thấy không có động cơ/hứng khởi (motivation) làm gì cả. Hễ thức dậy giửa đêm thì cô không ngủ lại được mà có ngủ lại được thì sáng dậy thấy mệt mỏi chứ không thấy hồi sức. Cô bắt đầu đổ mồ hôi đêm và người nóng bừng (hot flushes) ba bốn lần một tuần.

Sau khi phân tách tất cả hoàn cảnh gia đình, việc làm, lịch sử sức khoẻ, tuổi tác của Beatrice, tôi đề nghị cô giảm uống trà đen, ăn nhiều sản phẩm đậu nành và hột có dầu, và tập thở yoga 20 phút khi thức dậy giữa đêm. Tôi cũng viết một toa dược thảo gồm withania, damania, sage và bacopa (rau đắng).

Hai tuần sau Beatrice trở lại sung sướng báo cho biết cô làm theo kế hoạch đó, ban đêm không còn đổ mồ hôi, hết nóng bừng người, sáng thức dậy thấy hồi sức lại, và phấn khởi (motivated). Thật đáng công "trầy vi tróc vảy" mất hơn 1 tuần lễ nghiên cứu kế hoạch sức khỏe cho cô ta.

Ca thực tập lâm sàng thứ ba có công hiệu nhanh chóng như vậy cũng liên hệ đến một cô đầm trẻ hơn tạm gọi là Catherine, khoảng 30 tuổi. Ca này xảy ra trong năm 2106 khi tôi trở lại học "Thực Tập Lâm sàng 2" và là một trong 3 ca thực tập cuối cùng mà tôi phải trình bày kế hoạch sức khoẻ trong vòng 30 phút sau phần hội chẩn.

Catherine bảo là cô đã đi nhiều bác sĩ mà chả được gì cả. Kết quả thử máu lúc nào cũng toàn hảo. Cô phải uống thuốc trầm cảm (depression) Efexor và tập thể dục mỗi ngày. Nhưng đêm nào cũng khủng khiếp đối với cô. Không biết vì lý do gì mà 2 năm rồi Catherine nói là đêm nào cô cũng bị ác mộng và đổ mồ hôi trộm trầm trọng. Mồ hôi đổ nhiều đến nỗi cô nói giường cô ướt mềm như bị thấm nhiều xô (buckets and buckets!) mồ hôi, đồng thời cô bức đứt tóc rất nhiều mỗi đêm. Cô cho tôi thấy tóc cô bị bức đứt gần hết hai bên mang tai. Tình trạng ác mộng và mồ hôi trộm nặng nề đến nổi cô không còn sức khi ngủ dậy. Cả ngày cô ở trong tình trạng dưỡng bịnh để lấy lại sức. Thuốc ngủ chẳng giúp gì được. Lúc nào cô ta cũng mệt mỏi.

Tôi đề nghị cô Catherine bắt đầu

1/ ăn uống đều đặn, ngồi bàn ăn đàng hoàng và ăn từ từ trong tư thế nghỉ ngơi, để thưởng thức bửa ăn,

2/ tập thở yoga, cố gắng chú tâm hiện trạng (mindfulness mediation) trước khi đi ngủ và

3/ ăn nhiều rau quả.

Khi trở lại một tuần sau, Catherine nói đã làm những biện pháp đó và cảm thấy vui vẻ có sức hơn, nhưng vẫn còn mồ hôi trộm và ác mộng như củ. Tôi khích lệ cô tiếp tục những thay đổi đó và trao cho cô một toa thuốc dược thảo gồm Rehmannia, Ziziphus, Withania và Gotu kola (rau má). Sở dĩ sau một tuần mới có toa dược thảo vì tôi phải nghiên cứu tìm ra thảo dược ngưng mồ hôi trộm mà không tương tác với thuốc ngừa thai Provera cô ta đang uống.

Tuần sau Catherine trở lại sung sướng nói rằng sau khi uống hổn hợp dược thảo, 4 đêm qua cô không còn mồ hôi trộm, ác mộng thì nhẹ hơn và cô có thể ý thức mình sắp bức tóc để tỉnh dậy kịp trước khi bức tóc. Bao nhiêu năm rồi cô chưa bao giờ thấy khoẻ như vậy sau khi ngủ dậy và khoẻ suốt cả ngày.

Kết qủa thực tập được như vậy thật đáng khích lệ. Tuy nhiên không phải tất cả các ca thực tập đều có kết quả tốt như thế.

Có hai ca "thực tập lâm sàng 1" không có kết quả vì triệu chứng bịnh không nặng đủ để bệnh nhân quyết tâm tuân theo kế hoạch cải thiện sức khoẻ. Bệnh nhân trong 2 ca này không lấy thuốc, hoặc lấy mà không uống và cũng không thay đổi chế độ dinh dưỡng / hoạt động thể lực.

Hai ca khác trong kỳ " Thực tập lâm sàng 2" không có kết quả nhanh vì bịnh nhân bị bệnh mãn tính. Một người bị Hashimotos (tức là tuyến giáp trạng bị hệ miễn nhiễm tấn công) và một người vừa bị tiểu đường vừa bị suy yếu thần kinh, bị bắt buộc cách ly con cái từ mấy chục năm nay; và bị béo phì vì thuốc... Lớp thực tập chỉ có đủ thời gian cho 1 hoặc hai lần theo dõi trong vài ba tuần trong khi những bịnh này cần thời gian dài mới thấy kết quả.

Thật ra trong kỳ thực tập 2, sinh viên phải thực tập với 2 người cùng 1 bệnh mãn tính trong thời gian gần 3 tháng, với 8 lần gặp nhau kể cả 6 lần theo dõi. Hai bệnh nhân tôi chọn cho phần thực tập này bị bệnh tiểu đường lâu năm. Một người 30 tuổi chỉ bị tiểu đường loại 2, không ham uống thuốc tây vì nó có tác dụng phụ khó chịu. Một người 57 tuổi, vừa bị tiểu đường loại 2 vừa bị lớn lá lách (splenomegaly), vừa bị xơ gan (cirrhosis) nhiều năm... Tình trạng của hai người này cải thiện chậm chạp lúc ban đầu vì họ chưa sẵn sàng thay đổi chế độ ăn uống, nhưng sau 3 tháng cả hai đều vui và thoả mãn với kết quả chữa trị.

Thay lời kết

Phần trên tôi kể lại những gì phải làm và kết quả thực tập lâm sàng với lòng mong mỏi quý bạn biết rằng ngành y học tự nhiên (naturopathy) có cơ sở khoa học và dựa trên bằng chứng nghiên cứu, kể cả thử nghiệm lâm sàng (clinical trials) chứ không phải là tào lao.

Tôi mong là đọc xong ký sự này, quý bạn sẽ không ngần ngại tìm gặp y sĩ tự nhiên (naturopaths or naturopathic doctors) khi gặp phải hoặc muốn tránh những bịnh mãn tính, kể cả ung thư, mất trí nhớ ... Họ có thể giúp quý bạn bằng cách chỉ dẫn/đề nghị những phương pháp thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt, nghỉ ngơi và một số thảo dược thích hợp/ bổ sung cho thuốc tây để giúp quý anh chị có cuộc sống dể chịu và vui khoẻ hơn. Họ sẵn sàng trưng dẫn tài liệu nghiên cứu liên quan đến công hiệu của liệu pháp họ đề nghị nếu được yêu cầu.

Quý bạn có thì giờ cũng có thể truy cứu thử những công trình nghiên cứu sinh học lên quan đến bệnh mãn tính mình đang quan tâm trên trang Pubmed của Trung tâm Thông tin Kỹ thuật Sinh học Quốc gia của Hoa Kỳ (US National Centre for Biotechnology Information). Trang này chứa trên 26 triệu chú dẫn nghiên cứu liên quan đến sinh học kể cả dược tính, công dụng và an toàn cho tất cả dược thảo, rau quả và các chất phụ trợ dinh dưỡng. (https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed)

Y học tự nhiên có thể chưa nằm trong chính sách bảo hiểm y tế ở nhiều nơi, và chưa được nhà nước NZ hay Úc trợ cấp (subsidized). Dầu vậy tôi tin rằng sử dụng y học tự nhiên để có sức khoẻ tốt trong tuổi già là đáng đồng tiền. Sở dĩ chi phí lần hội chẩn đầu tiên cao hơn chi phí khám bịnh của bác sĩ là vì cuộc hội chẩn y học tự nhiên đầu tiên kéo dài 90 phút đến 2 giờ. Lâu như vậy mới có thì giờ nói ra đầy đủ lịch sử sức khoẻ, tình cảm và chế độ ăn uống làm việc.. của mình với y sĩ, tất cả đều có ảnh hưởng trên sức khoẻ. Tuy nhiên y học tự nhiên chỉ có ích lợi khi mình quyết tâm thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt và nghỉ ngơi theo đề nghị của y sĩ, ít nhất trong thời gian sức khoẻ còn có vấn đề. Nếu chưa sẵn sàng thì không nên đặt kỳ vọng vào y học tự nhiên. Y học tự nhiên có thể có thần dược cho một số triệu chứng cấp tính, nhưng với bệnh mãn tính, công hiệu của y học tự nhiên cũng có thể thần kỳ nhưng hoàn toàn tuỳ thuộc vào quyết tâm làm chủ sức khoẻ của người bệnh.

Trang blogger yhoctunhienonline này nhằm cung cấp thông tin  về  dinh dưỡng và những liệu pháp y học tự nhiên hữu hiệu cho những chứng bịnh mãn tính thường gặp, đã được nghiên cứu và thử nghiệm, để giúp quý bạn chủ động bảo vệ sức khoẻ mình. Xin giới thiệu trang mạng này rộng rãi cho bạn bè mình. Xin cảm ơn .

Nguyễn văn Tư - Auckland

 

Nhận xét

Subscribe

Bài đăng phổ biến từ blog này

Dùng tía tô để trị bịnh Tim mạch, Hen suyễn, Alzheimer's, Parkinson's, Đường ruột, đau khớp ,gút, Ung thư...

Bốn bí quyết của những người đã chiến thắng ung thư

Đu đủ: thức ăn và dược thảo quá tuyệt vời, kể cả bảo vệ nét trẻ trung của người dùng